Nằm trong con hẻm nhỏ ở số 20 Trần Quang Khải, bún nghệ tuy không được xếp vào hàng đặc sản của Huế nhưng món bún này từ lâu đã trở nên quen thuộc với teen nhà mình. Nhất là vào những ngày oi nóng mà được ngồi thưởng thức một tô bún nghệ ngon, lạ miệng, lại đậm đà hương vị cố đô, ngắm đường phố lúc về chiều thì còn gì thích thú hơn ?
Bún nghệ thoạt nghe thì có vẻ… đơn giản, nhưng thật ra cũng phức tạp lắm. Một món bún nghệ hấp dẫn, phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn: sợi bún mềm, không nhão hay quá khô, nghệ có màu vàng tươi và thơm, lòng heo phải biết chọn loại ngon, làm sạch, rồi mới có thể chế biến… Bún khô thì luộc lên rồi đổ ra rổ cho thật ráo nước mới xào, trộn cho nghệ áo đều bún để sợi bún có màu vàng đẹp, ăn kèm thêm với tiết heo trần qua nước sôi, cắt miếng vuông, rồi rắc lên trên một ít rau thơm, rau răm và hành lá đã thái nhỏ. Công việc của bạn bây giờ chỉ còn là chế thêm nước mắm, ớt tùy khẩu vị và thưởng thức món ăn này thôi.
Đầu tiên, cái bạn chú ý nhất về hương vị chính là chỉ có vị thanh của nghệ mà lòng không đắng. Vì khi trước khi xào, bác bán hàng đã phi hành mỡ thật thơm mới đổ tiếp hỗn hợp lòng và gan đã trộn nghệ vào. Vậy nên món bún này ngay từ đầu đã có vị thanh dìu dịu rồi. Có lẽ cũng vì thế mà tô bún dễ ăn hơn hẳn và không bị đắng.
Nghệ để làm bún nghệ phải là nghệ tươi, vỏ bóng, nhẵn nhụi, bằng đầu bằng đuôi, dùng tay cấu một đầu nghề thấy màu vàng đậm và gần như không chảy nước. Còn về khâu chọn lòng heo cũng cực kỳ quan trọng, lòng phải còn trắng, hơi hồng tươi, thành dày. Từng cọng bún thơm mùi nghệ, thỉnh thoảng ăn trúng miếng nghệ cay cay đầu lưỡi, hòa quyện với từng miếng gan heo bùi bùi thật vừa miệng và hấp dẫn biết bao.
Tuy nhiên, hàng này chỉ bán vào buổi chiều từ 13h trở đi thôi nên các teen cũng chú ý nhé. Giá một tô bún nghệ ở đây chỉ có 10k, quá mềm cho một bữa ăn ngon lành phải không?