hues.vn-hue-trong-tam-tay-logo
Quán ăn Chè sữa Nhật Hiền

Quán ăn Chè sữa Nhật Hiền

Average Reviews

GIỚI THIỆU

Trong những ngày hè oi bức cùng với việc cắt điện đã làm cho không khí càng trở nên ngột ngạt hơn. Giải pháp tị nạn cái nóng có thể là một li nước mía vỉa hè, một li cà phê hoặc một vài chai bia ở những quán cạnh bờ sông Hương thơ mộng. Đang lang thang trên những con đường với hai hàng cây xanh ven đường cùng người bạn mới từ thành Sài Gòn về, chúng tôi bỗng nảy ra ý định: Đi ăn chè. Chè Huế vốn dĩ đã rất nổi tiếng, nói đến chè Huế thì có lẽ những cái tên như Chè Hẻm, Chè Trương Định, Chè Cung Đình… đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Huế nói chung và kể cả những người xứ Huế tha phương. Tuy nhiên, anh bạn lại đưa ra một yêu cầu làm cho tôi cảm thấy bối rối và khó xử. Kiếm đâu ra một quán chè ngon và lạ hơn nhỉ ? Đang phân vân chưa biết chọn quán nào, tôi chợt nhớ ra một quán chè mà lúc trước tôi đã được bọn học trò dẫn đến một lần. Vượt qua cầu Gia Hội, dọc theo con đường Chi Lăng, hai bên đường quán sá san sát. Những ngôi nhà cổ của một thời nay đã dần vắng bóng, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, những quầy tạp hóa, những quán cà phê mang phong cách cổ điển. Đường Chi Lăng nay nổi tiếng không bởi vì vẻ cổ kính mà nó ăn sâu vào tâm trí người dân Huế và khách thập phương bởi các quán ăn ngon và những khu vực bán hàng đặc sản như mè xửng Thiên Hương, quán bún ông Trọng (ở góc rẻ vào Nguyễn Du), bò bía Cỏ May, bánh khoái Đò Cồn, bánh lọc Mụ Đỏ…

Qua mấy ngã ba, chúng tôi ghé vào một quán nhỏ ven đường ở số nhà 156 Chi Lăng. Cảnh tượng đầu tiên mà chúng tôi được chứng kiến là một quang cảnh vắng lặng không một bóng khách. Người Huế mình thường hay suy nghĩ “quán vắng khách là quán không ngon”, thoạt đầu chúng tôi vẫn nghĩ vậy. Cố gắng để quan sát cách bài trí xung quanh: Một không gian chừng 20 mét vuông với những chiếc bàn i-nox. Xung quanh là những chiếc ghế nhựa màu xanh được lau chùi khá chu đáo. Trên mỗi bàn là một chiếc chén nhựa mà xanh lục, mặc dù chưa biết chức năng của nó là gì nhưng tất cả những vật dụng trong quán đều rất sạch sẽ và được bài trí gọn gàng. Thôi kệ, không gian không được rộng rãi thoáng mát, chè chưa biết có ngon hay không nhưng cả hai đứa chúng tôi đều có cảm giác an tâm vì “nhà sạch thì mát, bàn ghế sạch thì chè sẽ ngon”. Dù gì thì vệ sinh an toàn thực phẩm là điều quan trọng nhất, chúng tôi nói với nhau để tự trấn an mình.

Chiếc tủ kính với những ly chè sữa được múc sẵn 

Một điều đáng ngạc nhiên làm chúng tôi không thể nào lí giải được. Trong quán, ngoài chúng tôi ra chỉ có thêm vài ba khách nhưng có đến 6 người phục vụ. Tại sao lại lãng phí nhân công đến thế nhỉ ? Chúng tôi đang suy nghĩ thì món chè đầu tiên mà chúng tôi gọi cũng được mang ra. Không giống như bao quán khác, chè ở đây chỉ có hai món đó là chè đậu xanh đánh và chè đậu đỏ.

Hai món chè đậu xanh – đậu đỏ 

Tuy chỉ có hai thứ chè những thứ nào cũng có cái vẻ khác biệt của nó. Ly chè được phối hợp bởi nhiều màu sắc. Phía dưới cùng là chè, ở giữa là lớp nước cốt dừa và bên trên là màu trắng ngà của sữa. Khuấy đều lên ta có thể nhìn thấy trong cái lớp hỗn hợp hòa tan đó là sự xem lẫn của những hạt đậu phộng ran trông rất hấp dẫn. Cầm muỗng múc một lớp chè bỏ vào miệng để thưởng thức. Hương vị thơm nồng pha lẫn chút ngọt bùi của sữa dừa. Chè không quá ngọt nên rất phù hợp cho những người sợ thừa đường. Có thể là sự tính toán của chủ quán, ly chè được múc với một lượng vừa phải, không nhiều mà cũng chả ít. Nhiều thì sinh ra dễ bị bò thừa vì ăn không hết, bên cạnh đó người ăn phải trả thêm một số tiền bù vào cái khoản mình đã bỏ thừa như trường hợp ở quán chè Cung Đình. Ít thì trông ly chè không đẹp. Chính vì cái rất vừa vặn về lượng chè trong ly làm cho người ăn ít thì hết một ly là vừa miệng còn người ăn nhiều thì qua ly thứ hai nhưng tất cả dù đã vừa miệng nhưng vẫn muốn kêu thêm ly nữa.

Tôi lân la hỏi bà chủ quán về chức năng của chiếc chén nhựa mà xanh để trên mặt bàn mới hay biết chiếc chén đó dùng để bỏ đá thừa mỗi lúc khách không muốn dùng nhiều đá. Ô hay, đó cũng chính là bí quyết giúp cho quán luôn sạch sẽ. Điều thứ hai chúng tôi đang băn khoăn về số lượng người phục vụ thì đã câu trả lời đã hiện ra ngay trước mắt chúng tôi. Giờ tan học, lũ học sinh cấp 2, cấp 3, từng tốp từng tốp kéo vào lấp đầy các ghế trống.

Vừa thưởng thức ly chè ngon, chúng tôi vừa trò chuyện với bà chủ quán thì mới hay biết chủ quán chính là một cô giáo dạy trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – TP Huế. Thế là chúng tôi biết được thêm nhiều câu chuyện xung quanh ly chè sữa mang thương hiệu Nhật Hiền. Nhật Hiền vốn dĩ là tên của hai đứa con của cô. Câu chuyện xảy ra từ thời bao cấp. Chắt chiu dành dụm từng hạt đậu, từng lạng đường mua bằng tem phiếu để góp thành ly chè cho những đứa con bồi dưỡng trong những kì thi với mong muốn con mình có đầy đủ sức khỏe để vượt qua các kì thi (vì đậu xanh, đậu đỏ là những loại ngũ cốc chứa rất nhiều chất bổ dưỡng có tác dụng giải nhiệt và cung cấp dinh dưỡng), bên cạnh đó cũng mong muốn con mình sẽ đỗ đạt như tên gọi hạt “đậu” và thuộc bài như chè đậu xanh đánh. Ban đầu chỉ là những ly chè cho những đứa con về sau nó trở thành một nghề làm thêm của gia đình nhà giáo để vượt qua cái thời buổi khó khăn, chật vật, nuôi con khôn lớn. Với những bí quyết độc đáo trong cách pha chế, món chè sữa của cô Huê đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng ở vùng Gia Hội – Chi Lăng. Món chè sữa của cô cũng có lúc thăng trầm. Quy luật cạnh tranh cũng có lúc tưởng như thương hiệu chè sữa Nhật Hiền đã bị đánh cắp. Đang trò chuyện bỗng cô chủ quán trầm giọng và kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện suýt mất thương hiệu vì ông chủ nhà số 218 Chi Lăng (nơi mà cô đã thuê mặt bằng trước đây) nhưng cuối cùng bằng những bí quyết cũng như uy tín với những khách hàng thân thiết, quán chè sữa Nhật Hiền vẫn bảo vệ được thương hiệu của mình và lượng khách cũng không hề suy giảm.

Ly chè trong tay vừa hết, chúng tôi chào tạm biệt bà chủ quán. Trước lúc ra về chúng tôi không quên đề nghị cô chủ quán đưa thương hiệu chè sữa Nhật Hiền lên mạng để cho nhiều người có cơ hội được thưởng thức. Nở một nụ cười hiền hậu, cô Huê đáp: “Chè có chi mô mà đưa lên mạng. Cô có biết chi về mạng mô ?”. Chúng tôi ra về và hứa sẽ quay trở lại để giúp cô đưa món chè sữa đến với nhiều người thông qua kênh thông tin internet. Và cứ thế chúng tôi sẽ tiếp tục đi và tiếp tục giúp những món ăn ngon đến với những người sành điệu về ăn uống.

THỐNG KÊ

6 Lượt xem
0 Đánh giá
0 Yêu thích
0 Chia sẻ

CHUYÊN MỤC