hues.vn-hue-trong-tam-tay-logo
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM

TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM

Average Reviews

GIỚI THIỆU

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Quá trình hình thành

– Ngày 02/7/1976 UBND cách mạng tỉnh Bình Trị Thiên ra Quyết định số 391/UB-QĐ thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Huế trực thuộc Ty giáo dục Bình Trị Thiên.

– Ngày 21/3/1978 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 164/TTg công nhận chính thức Trường Cao đẳng Sư phạm 10+3 Bình Trị Thiên.

– Ngày 08/8/1979 UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra Quyết định số 1117/QĐ-UB hợp nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Huế và Trường sư phạm (10+3) Bình Trị Thiên thành Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Trị Thiên.

– Năm 1989, sau khi chia tỉnh, trường có tên là Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế.

– Ngày 27/6/2007 UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 1469/QĐ-UBND chuyển Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế trực thuộc UBND Tỉnh.

2. Các giai đoạn phát triển

Kể từ ngày thành lập (02/07/1976) Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế đã trải qua 41 năm xây dựng và phát triển với nhiều khó khăn và thử thách của các giai đoạn lịch sử, nhưng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo và tinh thần vượt khó, các thế hệ nhà giáo của Trường đã tự khẳng định mình để tồn tại và phát triển bền vững., phấn đấu xây dựng Trường thành một trung tâm đào tạo có chất lượng và uy tín ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và cả nước. Quá trình phát triển của Trường có thể khái quát qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn từ năm 1976 đến 1978

Nhiệm vụ của Trường trong giai đoạn này là đào tạo giáo viên cấp 2 cho khu vực Bình Trị Thiên, đồng thời bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên tốt nghiệp trước năm 1975 ở miền Nam để tiếp tục bố trí giảng dạy.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường lúc bấy giờ phần lớn được điều chuyển từ miền Bắc vào và một số cán bộ, giảng viên miền Nam tập kết ra Bắc trở về giảng dạy và công tác. Đây là thời kỳ khó khăn nhất về cơ sở vật chất, đội ngũ cũng như kinh nghiệm tổ chức đào tạo. Tuy nhiên, sự nhiệt tình và niềm say mê nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường lúc bấy giờ đã giúp cho Trường sớm đi vào nề nếp.

Địa điểm số 04 Trần Cao Vân là nơi đầu tiên Trường đặt nền móng cho sự phát triển hiện nay. Thời kỳ này nhiều khóa đào tạo giáo viên cấp 2 như Toán – Lý, Văn – Sử, Sinh – Hóa, Văn – Kỹ thuật, Địa – Sinh… đã tốt nghiệp ra trường và chính họ đã đem ánh sáng văn hóa đến với đồng bào những miền quê xa xôi sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.

Trước yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo của cả nước, từ tình hình thực tiễn của 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 164/TTg ngày 21/3/1978 về việc công nhận chính thức Trường Cao đẳng Sư phạm (10+3) Bình Trị Thiên.

Giai đoạn từ năm 1979 đến 1989

Với 10 năm làm nhiệm vụ đào tạo và chuẩn hóa giáo viên hệ 12+2 lên trình độ Cao đẳng Sư phạm, Trường có một đội ngũ cán bộ giảng viên khá đông và đầy đủ ở các lĩnh vực. Trường có các khoa: Văn – Sử, Toán – Lý – Kỹ thuật công nghiệp, Sinh – Hóa, Địa – Kỹ thuật nông nghiệp, Tại chức; các tổ trực thuộc như: Tâm lý – Giáo dục, Chính trị, Thể mỹ, Quân sự; có các Phòng chức năng như: Giáo vụ, Tổ chức – Công tác chính trị, Hành chính quản trị – Đời sống.

Trong giai đoạn này, Trường đã đào tạo, chuẩn hóa gần 5000 giáo viên cấp 2 đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của ngành giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, vào cuối giai đoạn này quá trình đào tạo bắt đầu gặp khó khăn do nhu cầu giáo viên cấp 2 giảm, có lúc số cán bộ giảng viên của trường còn nhiều hơn cả số học sinh sinh viên.

Giai đoạn từ năm 1990 đến 2000

Chủ trương chia lại địa giới thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (1989) là cột mốc quan trọng để từ đó Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế tự khẳng định mình trong chặng đường 10 năm thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy theo chương trình, kế hoạch của Bộ.

Trong giai đoạn này, nhiệm vụ trọng tâm của Trường là đào tạo và chuẩn hóa giáo viên cấp 2, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục cho đội ngũ cốt cán và kế cận các trường Mầm non, Tiểu học và THCS, xây dựng cơ sở vật chất cần thiết cho việc dạy và học; phát triển quy mô ngành học, bậc học nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về giáo dục toàn diện.

Việc sáp nhập Trường Bồi dưỡng Cán bộ quản lý giáo dục, Trường Trung học sư phạm và Trường Sư phạm Nhà trẻ – Mẫu giáo vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế (1990) hình thành một trung tâm sư phạm đa cấp, đa ngành đào tạo đã giải quyết tốt sự khủng hoảng trong đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tỉnh nhà những năm đầu thập kỷ 90 mà hướng đột phá đầu tiên là mở Khoa đào tạo Giáo viên Tiểu học, củng cố và phát triển việc đào tạo giáo viên cấp 2 phủ kín trên địa bàn tỉnh nhà. Với niềm say mê nghề nghiệp, không ngại khó khăn gian khổ của cán bộ, giảng viên và tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo nhà trường, chỉ trong vòng 5 năm Trường đã đào tạo và bổ sung cơ bản đội ngũ giáo viên tiểu học (1991-1996) và giáo viên trung học cơ sở (1996-2001) cho ngành.

Mục tiêu đột phá thứ hai trong giai đoạn này là mở khóa đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật có trình độ Cao đẳng Sư phạm (1991) và nhiều ngành đặc thù khác như Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Tin học, Thể dục – Đoàn đội, Kỹ thuật công nghiệp thể hiện sự năng động, sáng tạo của đội ngũ trước yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự phát triển đúng hướng và bền vững trong xu thế hội nhập về sau. Qua 10 năm đào tạo giáo viên THCS ở các ngành học đặc thù, Trường đã bổ sung cho ngành kịp thời số lượng giáo viên có trình độ chuyên môn khá tốt, được các ban ngành đánh giá cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và thành phố bậc Tiểu học và THCS.

Mô hình Khoa Bồi dưỡng Cán bộ quản lý giáo dục trong Trường Cao đẳng Sư phạm sớm được xác lập và ngày càng phát huy tác dụng. Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ kế cận của tất cả các bậc học Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh đều được học tập, bồi dưỡng tại trường. Nhiều học viên sau khi ra trường được tiếp tục bồi dưỡng trở thành cán bộ chủ chốt ở các trường học.

Ngoài việc đào tạo, chuẩn hóa giáo viên ở các bậc học từ Mầm non đến THCS, Trường cũng đã chú ý đến việc nâng chuẩn trình độ cho giáo viên trên địa bàn. Từ năm 1996 được sự cho phép của lãnh đạo Tỉnh và Sở Giáo dục – Đào tạo, Trường đã liên kết với Trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh) mở nhiều lớp nâng chuẩn từ cao đẳng lên trình độ đại học thuộc các ngành: Giáo dục công dân, Tiểu học, Mầm non, Tiếng Anh, Toán… cho đối tượng giáo viên THCS, giáo viên tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh nhà. Với việc mở rộng quy mô và hình thức đào tạo, số ngành học trong giai đoạn này đã tăng lên đáng kể.

Có thể nói rằng đây là giai đoạn có nhiều chuyển biến tích cực trong chiến lược phát triển của nhà trường, là tiền đề để Trường phát triển ổn định, bền vững, trở thành một trong những trường Cao đẳng mạnh ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và cả nước trong xu thế hội nhập về sau.

Giai đoạn từ năm 2001 đến nay

Thực hiện định hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2010 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng là “Tiếp tục quán triệt giáo dục là quốc sách hàng đầu và tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện trong phát triển giáo dục và đào tạo” và Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương về việc “xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, Trường đã xây dựng đề án phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên, tạo điều kiện cho nhiều CBGV được đi học nâng cao trình độ sau đại học, nghiên cứu sinh và nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ khác.

Cuối năm 2000, Trường chỉ có 19 cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học thì đến năm 2008 Trường có 03 tiến sĩ (chiếm tỉ lệ 2,63%), 54 thạc sĩ (chiếm tỉ lệ 47,37%), một đội ngũ tương đối vững vàng so với hệ thống các trường cao đẳng trong toàn quốc hiện nay.

Sự phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ trong thời gian gần đây là điều kiện cơ bản để phát  triển nhà trường theo hướng đa ngành, đa cấp, đa hệ và đa phương thức đào tạo theo yêu cầu thực tế địa phương và sự phát triển của nhà trường. Một mặt, Trường phải thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của Trường là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cho các cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở. Mặt khác, để phát huy tiềm năng đội ngũ, cơ sở vật chất, vị thế nhà trường trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực, Trường đã mở nhiều mã ngành mới ngoài sư phạm bao gồm cả bậc cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, liên kết với các trường đại học để đào tạo liên thông lên trình độ đại học hầu hết các ngành trường đang đào tạo bậc cao đẳng. Bên cạnh đó, hoạt động quan hệ quốc tế và đối ngoại cũng được đẩy mạnh như liên kết với các trường và trung tâm của các  tỉnh miền Trung để đào tạo giáo viên đặc thù của các ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục – Đoàn đội; đào tạo trung cấp và bồi dưỡng cấp chứng chỉ các ngành Hành chính – Văn thư, Thiết bị trường học, Thư viện. Bước đầu liên kết và thỏa thuận hợp tác trao đổi giáo viên và sinh viên, trao đổi học thuật với một số trường Đại học danh tiếng ở nước ngoài như ĐH Shizuoka (Nhật Bản), First Media Design School (Singapore), ĐH Kinh tế AEC (Singapore),… Trung tâm đào tạo Tiếng Việt cho người nước ngoài được thành lập, trước mắt để tổ chức giảng dạy Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Việc đào tạo và giảng dạy Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trong giai đoạn này làm cho tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào ngày càng thắm thiết hơn, số lượng lưu học sinh Lào học tại trường ngày càng nhiều theo các năm học, hiện nay có gần 485 lưu học sinh Lào do trường quản lý, ở tại khu ký túc xá mới xây dựng dành riêng cho lưu học sinh nước ngoài tại khu vực Vỹ Dạ, Huế.

Quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 27/6/2007 của UBND tỉnh về việc chuyển Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế trực thuộc UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, triển khai các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ theo Điều lệ trường Cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 14/2009/TT- BGDĐT ngày 28 tháng 5 năm 2009 và nay là Thông tư số 01/2015/TT-BGD&ĐT ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị định số 43/NĐ-CP của Chính phủ trước đây và nay là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ban hành ngày 14 tháng 02 năm 2015.

Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động đào tạo và quản lý giáo dục, Trường đã tích cực triển khai xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm của trường trên tinh thần cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của Bộ và các ban ngành như: xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp có thu; quy chế tổ chức và hoạt động của Trường; quy định và quy trình tuyển dụng công chức, viên chức; các nội quy quy định về công tác học vụ, công tác HSSV…

Trong từng giai đoạn phát triển nhà trường, vấn đề đào tạo giáo viên, những biện pháp trong công tác quản lý tổ chức bộ máy luôn được coi trọng, đổi mới cho phù hợp với xu thế thời đại, đó cũng là quy luật tất yếu của quá trình phát triển. Có thể nói rằng trong giai đoạn này sự phát triển của nhà trường là đúng hướng, bền vững và mang tính ổn định cao, đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong thời kỳ hội nhập WTO.

Tóm tắt cơ cấu tổ chức: Trường có Đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và có các tổ chức đoàn thể chính trị: Công đoàn, Đoàn TNCS. Trường có 03 phòng chức năng, 02 trung tâm, 04 khoa và 01 trường thực hành; Trường đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy của trường phù hợp với tình hình mới khi Trường không được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên có trình độ CĐSP các ngành học (trừ Giáo dục mầm non). Do trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học và THCS là tốt nghiệp đại học theo quy định của Luật Giáo dục 43/2019/QH14, nên việc thành lập trường phổ thông thực hành có nhiều cấp học cũng không còn phù hợp, mặc dù Trường đã lập Đề án xin mở trường phổ thông thực hành trình UBND Tỉnh.

Hiện nay, Trường phụ trách đào tạo 25 ngành học gồm các loại hình khác nhau: chính quy, vừa làm vừa học; đào tạo liên thông từ TCCN lên cao đẳng, liên kết đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học. Cụ thể ngành học của Trường gồm: 24 ngành cao đẳng; 03 ngành trung cấp chuyên nghiệp; 02 ngành liên thông từ trình độ TCCN lên trình độ cao đẳng; 15 ngành liên thông từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học được tuyển sinh hàng năm, số lượng học sinh sinh viên nhà trường ổn định trong khoảng trên 3000 HSSV/ năm học. CBGV và HSSV của Trường đã có những nỗ lực vượt bậc để khắc phục những khó khăn, lập nhiều thành tích đáng kể trong mọi lĩnh vực hoạt động và đã được các cấp khen thưởng.

Có thể nói, sau hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế đã khẳng định được vị thế là một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực có chất lượng và uy tín ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Trường đã vinh dự được Nhà nước tặng nhiều huân chương, bằng khen, được nhận cúp vàng Thương hiệu Việt hội nhập WTO 2007 và Top 500 thương hiệu hàng đầu Việt Năm 2008, Cúp vàng vì sự phát triển cộng đồng 2009, Cúp vàng văn hóa Đông Sơn 2010, được Tổ chức đảm bảo chất lượng NQA của Vương quốc Anh cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015.

THỐNG KÊ

9 Lượt xem
0 Đánh giá
0 Yêu thích
0 Chia sẻ